Gần một tháng qua, loạt bài phản ánh về việc UBND TP Hà Nội vừa xin phép Thủ tướng được thu phí trên đại lộ Thăng Long đăng trên Báo Điện tử Xây dựng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hiện nay, người dân đang “hồi hộp” chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề thu phí trên đại lộ Thăng Long.

Hà Nội phải thống nhất với các Bộ liên quan

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử Xây dựng, ngày 26/12/2011, ông Văn Trọng Lý, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký văn bản số 9141/VPCP-KTN gửi Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội nêu rõ:

Xét đề nghị của Bộ GTVT (Công văn số 6693, ngày 19/10/2011), ý kiến của Bộ KHĐT (công văn số 7658, ngày 7/11/2011), Bộ Tài chính (công văn số 15231, ngày 10/11/2011), UBND TP Hà Nội (công văn số 10291, ngày 25/11/2011) về việc thu phí đường cao tốc đại lộ Thăng Long, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến như sau:

Giao cho UBND TP Hà Nội tổ chức xây dựng phương án thu phí, nộp phí sử dụng đường bộ trên đại lộ Thăng Long đảm bảo không gây ùn tắc giao thông, đúng các quy định hiện hành và triển khai thu phí sau khi thống nhất với các Bộ liên quan.

Như vậy, tại công văn này, Văn phòng Chính phủ chỉ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đến các Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội để lấy ý kiến, không phải là quyết định thu phí chính thức. Do vậy, tại thời điểm này dư luận đề nghị UBND TP Hà Nội công bố công khai các ý kiến của các Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc thu phí đại lộ Thăng Long theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải như trên.

Dư luận đề nghị UBND TP Hà Nội công khai ý kiến của các Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc thu phí đại lộ Thăng Long.

Hà Nội chưa làm hết trách nhiệm tham mưu?

Trên Báo Đất việt phản ánh, ông Nguyễn Xuân Tân – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, Thủ tướng giao cho họ nhiệm vụ xây đề án thu phí từ trước khi có quỹ bảo trì, nhưng hiện đã có quỹ bảo trì Hà Nội vẫn phải thực hiện trách nhiệm báo cáo để Thủ tướng quyết định có cho thu hay không.

Lý lẽ này một lần nữa không nhận được sự đồng tình, bởi lẽ Hà Nội là cơ quan tham mưu cho Thủ tướng nhưng lại đẩy khó cho Thủ tướng, “chẳng lẽ Hà Nội cho rằng, Thủ tướng sẽ phá lệ lách luật cho Hà Nội thực hiện một chủ trương trái luật do chính mình ban hành”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đặt câu hỏi.

TS Lê Hồng Sơn – Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định: “Nếu đồng ý cho thu phí trên đại lộ Thăng Long là phạm luật”. Ông Sơn cho rằng, trong trường hợp này Hà Nội biết phạm luật mà vẫn đề xuất là chưa làm hết trách nhiệm tham mưu.

Mặc dù Hà Nội lên tiếng giải thích không đẩy khó cho Thủ tướng, tuy nhiên độc giả Nguyễn Văn Pha nghi ngờ:

“Tôi cho rằng Hà Nội biết chắc 100% việc thu phí trên là trái luật nhưng sao họ cứ muốn làm?. Là họ không hiểu quyết định thu phí bảo trì cầu đường qua đầu xe thì phải bãi bỏ các trạm thu phí trên những cung đường làm bằng ngân sách hay sao? Nếu vậy, thể hiện hoặc là họ yếu kém chuyên môn hoặc hoặc đẩy khó cho Thủ tướng hoặc họ thách thức dư luận?”.

Độc giả Đức Long lo ngại, nếu địa phương nào cũng như Hà Nội thì không những làm khó Thủ tướng mà luật ra cũng chẳng biết để làm gì: “Đã ra luật thu phí trên đầu phương tiện có nghĩa là những văn bản yêu cầu lập đề án trạm thu phí đã không còn hiệu lực. Chẵng lẽ Sở GTVT Hà Nội không hiểu điều này. Nếu tất cả các địa phương khác cũng làm như Hà Nội thì luật để làm gì?”.

Trong khi đó, độc giả Hương Chanh cám cảnh, cho rằng Hà Nội đã tự biết đề xuất của mình là trái pháp luật, phí chồng phí và mất lòng dân còn cố đấm ăn xôi.

Băn khoăn của Hương Chanh khiến độc giả Dân lo ngại trước tình trạng hàng loạt văn bản trên trời vì sao được ban hành. Độc giả này cho rằng “cả một Sở GTVT Hà Nội to đẹp, đông đúc như vậy nhưng khi không thực hiện hết chức năng tham mưu thì lại đẩy khó sang cho Thủ tướng”.

“Thế mới biết cán bộ, công chức của Hà Nội tận tụy thật. Bảo rằng họ không biết việc cứ xây dựng dự án thu phí trên đại lộ Thăng Long để “dự án” thành “dự phá” thì oan cho trình độ nhận thức của công chức Thủ đô quá. Họ biết cả đấy, nhưng họ cứ làm vì có làm thì mới có tiền mà.

Cái gì bỏ đi mặc kệ, đó là sai lầm của người khác, là tiền đóng thuế của nhiều người khác, không quan tâm. Ai nói thế nào mặc kệ người ta, tiền làm dự án đã vào túi rồi, xong rồi! Nói lại dư luận để cho mọi người biết là “chúng tôi làm vì nghĩa lớn cả đấy, không phải vì chúng tôi ít suy nghĩ để đỡ tốn tiền dân đâu!”, độc giả Hoàng Trường Sa sót xa.

Nhưng ai sẽ là người chịu trách nhiệm dù biết rõ mười mươi đề xuất sai trái này. Độc giả Tran Phuong đề xuất, “lãnh đạo TP Hà Nội phải tự phê bình mình vì đưa ra những đề nghị sai luật.

Văn bản đề nghị thu phí đại lộ Thăng Long của UBND TP Hà Nội (Ảnh: Bảo Tường)

Người dân “mệt” vì “phí chồng phí”

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Xây dựng, luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo Điều 5, Nghị định 18/2012/NĐ-CP quy định về quỹ bảo trì đường bộ thì “Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ…”. Điều này có nghĩa, phí sử dụng đường bộ sẽ được thu hàng năm đối với ô tô và mô tô và số tiền phí sẽ được phân bổ như sau: “1. Phí sử dụng đường bộ thu được đối với mô tô tại địa phương nào bổ sung vào Quỹ của địa phương đó; 2. Phí sử dụng đường bộ thu được đối với ô tô phân chia cho Quỹ trung ương 65%, cho các Quỹ địa phương 35%.” Như vậy, toàn bộ nguồn thu đối với mô tô và 35% đối với ô tô sẽ được bổ sung cho ngân sách địa phương.

Đề ra mục đích thu hồi vốn đầu tư cho ngân sách, UBND thành phố Hà Nội đã lên ý tưởng lập trạm thu phí trên Đại lộ Thăng Long trong khi đã thu phí cả năm. Nếu mới nghe mục đích này có vẻ rất hợp lý nhưng sự hợp lý đó lại chỉ đứng từ phía Nhà nước để nhìn nhận mà không đặt vào hoàn cảnh của người dân để đánh giá.

Đại lộ Thăng Long được xây dựng bằng nguồn ngân sách của Nhà nước, trong khi hàng năm Nhà nước đều thu thuế của nhân dân, nguồn thu ấy phải sử dụng vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở. Vậy mục đích thu hồi lại ngân sách có nên đặt ra hay không? Nếu nói rằng, thu phí để bảo trì, quản lý thì đã có 100% phí thu của mô tô và 35% phí thu đối với ô tô được quy định trong Nghị Định 18/2012, có lẽ khoản thu này còn quá ít để bảo trì, quản lý một con đường? Trong khi đó, GPD đầu người của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1960 USD (thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp) nhưng người dân lại phải gánh hàng loạt các chi phí thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới như: chi phí về sữa, ô tô, thực phẩm… và bây giờ là việc bị thu hai lần phí trên cùng một tuyến đường.

“Mặt khác, ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản 2250/TTg-KTN đồng ý xử lý, sắp xếp lại các trạm thu phí đường bộ khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động. Theo đó sẽ xóa bỏ, dừng thu từ ngày 1/1/2013 đối với các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước, các trạm thu phí sử dụng đường bộ trả nợ vay. Đại lộ Thăng Long được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước do đó theo văn bản này, các trạm thu phí trên đại lộ này phải bị xóa bỏ nhưng dường như Hà Nội đang đi trái với chủ trương trên của Chính phủ” – luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.

Báo Điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.

Leave a Reply