Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chi phí cho vận tải ở VN không quá cao so với khu vực, song chi phí logistics lại quá lớn và chất lượng dịch vụ thiếu độ tin cậy.
Chi phí logistics quá cao
Tại cuộc Hội thảo “Chi phí vận tải ở VN” do Bộ GTVT tổ chức sáng nay 28/3, tuy chưa đưa ra được cách tính toán và con số hoàn toàn chính xác cho chi phí logistics và trong đó có chi phí cho vận tải ở VN. Song con số được Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra qua các nghiên cứu, khảo sát khá công phu, cơ bản được chấp nhận. Theo đó, chi phí logistics ở VN nằm ở đâu đó trong khoảng 20,9 – 25% GDP. Theo ông Hoàng Anh Dũng – chuyên gia vận tải của WB, mức này cao hơn khoảng 10% so với các nước đang phát triển trong cùng khu vực. Và tính trên tổng thu nhập quốc gia, thì chi cho logistics VN mất nhiều hơn các nước tương tự khoảng 10-15 tỉ USD/năm.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng cần thiết có thể phải điều chỉnh cả Quy hoạch để đáp ứng tốt hơn cho vận tải đa phương thức
Vận tải “door to door” hiện nay, thời gian dài hoặc ngắn không quan trọng, mà quan trọng là phải đúng hạn. Nếu không đảm bảo đúng hạn, tất cả chi phí sau đó đều bị đội lên. Theo ông Hoàng Anh Dũng, có thể thấy dịch vụ logistics ở VN vừa có mức chi phí cao vừa thiếu hiệu quả. Riêng năm 2012 chi phí lãi suất đối với hàng hóa lưu kho quá hạn do chậm trễ trong thủ tục hải quan lên tới 100 triệu USD. Và dự tính năm 2015 lên tới 121 triệu, 2020 lên tới 182 triệu USD.
Chất lượng dịch vụ vận tải thấp
Ông Dũng cũng nêu ví dụ về sự bất cập của đường sá: QL91 là tuyến huyết mạch đi vào cảng Cần Thơ, các cây cầu trên tuyến này hầu hết cắm biển 30T, trong khi vận tải hàng ra vào cảng chủ yếu là xe chở container có tải trọng đều trên 40T – không thể đi được nếu không có phí bôi trơn!
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung – Tổng công ty Đường sắt VN, thì do sự lạc hậu của cơ sở hạ tầng, thông tin tín hiệu và xếp dỡ, nên hàng hóa đi đường sắt ngày càng giảm, nay chỉ còn khai thác được một số ít chân hàng nhỏ, lẻ. Song khi có chân hàng lớn như Apatit nhu cầu vận chuyển 2 triệu tấn/năm thì đường sắt lại chỉ đáp ứng được 1,7 triệu tấn..
Trên thị trường vận tải đường bộ, hiện có quá nhiều các công ty nhỏ đang cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá chứ không phải bằng chất lượng dịch vụ. Theo ông Đỗ Xuân Hoa – Tổng thư kí Hiệp hội vận tải ô tô VN, Công ty vận tải ô tô số 1 lấy cước vận chuyển 1 container 40 feet từ Hải Phòng về Hà Nội 4,5 triệu đồng, tính ra khoảng 1.800đ -2.200đ/Tkm. Trong khi nếu theo cách tính giá cước vận tải trước đây mà Cục đường bộ VN tổ chức hiệp thương, thì với thời điểm này, giá cước phải vào 5.000đ – 7.000đ/Tkm. Để bù lại, các doanh nghiệp chở quá tải từ 2-4 lần tải trọng cho phép trên mỗi chuyến hàng!
Một số nguyên nhân khiến logistics ở VN có chi phí lớn được WB chỉ ra là: Còn tình trạng có những quy định khó hiểu và nhiều trở ngại; vận tải hàng còn mất nhiều chi phí “không tên”; ngành công nghiệp vận tải đường bộ bị phân mảng, chưa cung cấp được các dịch vụ đủ tiêu chuẩn cho chủ sở hữu hàng hóa; cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải mới chỉ khai thác được rất ít tiểm năng…
Ít có doanh nghiệp vận tải đường bộ quan tâm đến chất lượng dịch vụ. Hầu hết chạy theo canh tranh nhau về giá
Cần thiết thì điều chỉnh lại cả quy hoạch
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, vai trò của vận tải, của logistics trong hoạt động của nền kinh tế là rất quan trọng. Ngay trong thời gian tới,Bộ GTVT phối hợp với các nhà nghiên cứu, các trường đại học sẽ phải có cách tính, có con số cụ thể về chi phí logistic ở VN hiện nay. Thứ trưởng cũng cho rằng chi phí logistics ở ta là cao, chất lượng dịch vụ vận tải trong đó chưa đáp ứng được yêu cầu. Mục tiêu là chậm nhất năm 2020 ta phải đưa chi phí logistics về 15%.
Để giải bài toán này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đưa ra các giải pháp chính, đó là chỉ hiện đại hóa, tăng cường điều hành vận tải là chưa đủ. Phải tập trung cho mục tiêu kết nối các phương thức vận tải, tối ưu hóa mạng lưới tuyến vận tải, hành lang vận tải đa phương thức. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định cần thiết thì phải điều chỉnh lại cả Quy hoạch và từng bước hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp, tăng quy mô các doanh nghiệp vận tải .v.v…
giaothongvantai